ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
Thơ: Nguyễn Trọng Tạo
Nhạc: Đỗ Triệu An
Ca sĩ: Hồng Mơ
Phối khí: Bùi Đức Thịnh
Nhạc: Đỗ Triệu An
Ca sĩ: Hồng Mơ
Phối khí: Bùi Đức Thịnh
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
1992
NGHỆ THUẬT CỦA TƯƠNG PHẢN
Nguyễn Bách
Đến nghĩa trang chính của Vienna, thủ đô nước Áo, du khách sẽ bị
quyến rũ bởi kiến trúc đầy nghệ thuật, đa dạng, toát lên vẻ bình yên
của những ngôi mộ của các danh nhân.
Nổi bật trong số đó là nơi an nghỉ của 2 nhà soạn nhạc lừng danh người
Đức: Ludwig van Beethoven và Johannes Brahms. Trên mỗi ngôi mộ chỉ vọn
vẹn một chữ là: BEETHOVEN và BRAHMS. Không cần tước hiệu, tên gọi hay
một ghi chú nhỏ nào khác, nhưng hậu thế đều biết đó là những người đã
cùng với Johann Sebastian Bach hình thành nên 3 chữ “B” vĩ đại không chỉ
riêng cho nền âm nhạc kinh điển của Đức mà của cả thế giới. Tôi cũng
vừa nghe đi nghe lại nhiều lần một ca khúc nghệ thuật mà tôi tình cờ
nhận được cách đây hơn một năm, bài “Đồng dao cho người lớn” (Thơ:
Nguyễn Trọng Tạo; Nhạc: Đỗ Triệu An [còn được biết với tên gọi: Xuân
Tư]; Phối dàn nhạc: Bùi Đức Thịnh). Đối với nhiều người nhất là giới văn
hóa, nghệ thuật, có lẽ cũng không cần phải ghi chú hay giải thích gì
thêm về những tên gọi của bộ ba này. Điều đáng ghi lại ở đây là ấn tượng
đẹp mà tác phẩm chung của họ, “Đồng dao cho người lớn” đã đem lại cho
tôi.
Trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào, sự tương phản là một trong những
nhân tố quan trọng đưa đến thành công. Đối với một tác phẩm âm nhạc, yếu
tố tương phản thường được thể hiện trong nghệ thuật biểu diễn. Ở đây,
ngay từ tên gọi của ca khúc đã làm chúng ta phải tạm dừng bước, suy
nghĩ. Đồng dao nhưng không dành cho nhi đồng. Ca khúc nhịp đồng dao trẻ
thơ nhưng ca từ hàm ý giáo dục người lớn. Toàn bộ ca từ là những hình
ảnh, phạm trù tương phản mạnh mẽ nhưng được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kết
nối tài tình để tạo thành những thực thể không chỉ tồn tại trên giấy mà
hiện diện đầy tính “chất vấn” trong tâm trí người nghe.
Có những ca khúc mang từ rất lạ, rất phức tạp nhưng thuộc loại “hiểu
được, chết liền”! Gần đây lại có những ca khúc với ca từ được xem là
“thảm họa”Ở “Đồng dao cho người lớn” chỉ gồm những từ ngữ mà trẻ thơ
cũng hiểu được nhưng lại khiến người lớn suy tư, những ca từ thuộc loại
“trong đơn sơ vẫn có nét cao vời”. Đó là nghệ thuật của sự tương phản.
Luật được làm ra vì lợi ích của con người chứ con người sinh ra không
phải để giữ luật. Trong nghệ thuật cũng thế. Luật tránh điệp ngữ tuy
được đặt ra, nhưng biết sử dụng điệp ngữ đúng cách, đúng chỗ thì lại là
một nghệ thuật. Cách dùng lặp lại nhiều lần cụm từ “có…..mà….” của
Nguyễn Trọng Tạo trở thành nét duyên nghệ thuật không thể tách rời khỏi
ca từ của bài hát. Và nét duyên này thêm mặn mà hơn, “đắt” hơn khi được
nhạc sĩ Đỗ Triệu An dùng thủ pháp lặp lại từng phần để xây dựng nên các
câu nhạc trong ca khúc này. Sự lặp lại là một yếu tố không thể thiếu
trong một sáng tác âm nhạc. Lặp lại để lưu lại trong ký ức. Lặp lại để
“người lớn” có thời gian suy tư về “đồng dao” dành cho mình. Ở đây, thủ
pháp lặp lại của Đỗ Triệu An còn tạo nên một tiếng vọng vang lên từ ca
khúc đến tâm thức người nghe. Thủ pháp phát triển đã quyện chặt lấy nội
dung thi ca:
Có những cánh rừng đã chết (đã chết) nhưng vẫn sống trong tôi (vẫn sống trong tôi)/ Có những con người đang sống (đang sống) mà như qua đời (mà như qua đời)/ Có câu trả lời đã biến thành câu hỏi (biến thành câu hỏi) ...
Sự tương phản còn được Đỗ Triệu An khai thác trong “kiến trúc” của câu
nhạc (paragraphing). Một đường nét (contour) giai điệu theo hình cung mở
lên (ví dụ: Có những cánh rừng đã chết, đã chết) luôn được nối tiếp bằng một đường nét giai điệu hướng xuống (ví dụ: nhưng vẫn sống trong tôi/ vẫn sống trong tôi).
Kiểu kiến trúc giai điệu này phối hợp với những chuyển động nhảy quãng
xa tạo nên từng đợt sóng (lớn) con sóng (nhỏ) làm cho lòng người nghe
luôn chất vấn, tự hỏi dưới vẻ bình yên của ca từ. Tác giả đã tạo nên câu
nhạc không chỉ theo cảm xúc tự nhiên mà còn như một nhà thiết kế (music
designer). Nghệ thuật cũng cần có cách làm việc khoa học.
Những tương phản tưởng chừng như mâu thuẫn của ca từ, của âm nhạc trong
“Đồng dao cho người lớn” sẽ mãi mãi bất động, không là âm nhạc (bởi âm
nhạc là một nghệ thuật động) nếu không được nhạc sĩ phối khí mặc cho
trang phục xứng hợp. Bài đồng dao này không phải là những ca khúc “nhỏ”
để “trẻ em” hát nghêu ngao trên đường phố mà đã được nhạc sĩ Bùi Đức
Thịnh mặc cho bộ cánh sang trọng, xứng tầm với những “người lớn” qua
kiểu phối nhạc theo phong cách giao hưởng. Ngay từ phần mở đầu của ca
khúc, nét tương phản đã được khai thác bằng tiếngkèn clarinette lững
thững, phiêu diêu được cả dàn nhạc đối đáp một cách mạnh mẽ. Sau đó,
trên nền của dàn nhạc dây và bước đi đều đặn của contrebasse được diễn
tấu pizzicato, các nhạc cụ violon, piano, harpe,… lần lượt “tung tăng”
phô diễn nét đẹp của mình làm cho giọng hát dầy, âm vực rộng và đầy kỹ
thuật của Hồng Mơ thêm sang trọng, siêu thoát. Kịch tính, sự tương phản
của dàn nhạc giao hưởng được đẩy cao với sự xuất hiện của trống timpani
và cymbale ở cao trào giữa tác phẩm. Cách chọn lựa và sử dụng nhạc cụ
của người nhạc sĩ phối khí đã làm sống động những tương phản của “Đồng
dao cho người lớn”. Bùi Đức Thịnh đã gắn tính nghệ thuật vào ca khúc
này.
Thế đó, bộ ba: Nguyễn Trọng Tạo (thơ), Đỗ Triệu An (nhạc), Bùi Đức Thịnh
(phối khí) đã sáng tạo nên một bản đồng dao hay, đầy tính nghệ thuật,
một nghệ thuật của sự tương phản dành cho… người lớn, đặc biệt là những
“người lớn tử tế” bởi có nhiều người lớn nhưng chưa trưởng thành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét